Bối cảnh của chiến dịch Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945)

Đặc điểm tự nhiên, lịch sử và vai trò của Mãn Châu

Bản đồ địa hình - đường sắt vùng Mãn ChâuKý kết hiệp ước Nhật Bản - Mãn Châu năm 1932

Mãn Châu nằm ở Đông Bắc Trung Quốc, phía Tây Bắc giáp Mông Cổ, hai mặt Bắc và Đông giáp với vùng Viễn Đông của Liên Xô, phía Đông Nam giáp Triều Tiên, phía Nam - Tây Nam giáp biển Hoàng Hải - Bột Hải, Hà BắcNội Mông của Trung Quốc. Đồng bằng Mãn Châu có đất đai phì nhiêu, nông nghiệp phát triển và là nơi sinh sống lâu đời của bộ lạc Nữ Chân - vốn là bộ tộc đã chiếm Trung Quốc lập nên triều đại Mãn Thanh ở thế kỷ XVII.

Địa hình Mãn Châu là một bồn địa tương đối bằng phẳng bao quanh bởi dãy núi Đại Hưng An ở phía Tây, Y Lặc Hô Lý Sơn ở phía Bắc và Tiểu Hưng An ở phía Đông Bắc, trong đó dãy Đại Hưng An đặc biệt hiểm trở với điểm cao nhất đến 1.900 m. Biên giới Đông Bắc - Đông chạy dọc theo sông Hắc Long Giang và sông Ô Tô Lý. Con sông lớn Tùng Hoa bắt nguồn từ dãy Đại Hưng An chảy cắt ngang bồn địa hợp lưu với sông Hắc Long Giang và Ô Tô Lý, tạo thành một khu vực lầy lội rộng lớn ở Đông Bắc Mãn Châu.[15]

Mặc dù hình thế tự nhiên là một cánh cung dài gần 4.500 km giương lên hướng Bắc - Đông Bắc khiến Mãn Châu có thể bị thọc sườn, nhưng bù lại Mãn Châu có lợi thế phòng thủ tự nhiên do được bao bọc bởi các con sông lớn và các dãy núi cao.[16] Hơn thế nữa, dù bên trong tuyến chướng ngại vật thiên nhiên này địa hình thuận lợi cho hoạt động của xe tăng - cơ giới hoá, nhưng bản thân diện tích mênh mông tới 1,5 triệu km² và chiều sâu từ 200 đến 800 km là một thách thức lớn về mặt hành quân[17] đối với các lực lượng tấn công.

Do có vị trí khống chế với cả Bắc Trung Quốc, Mông Cổ lẫn vùng Viễn Đông của Nga, nên Mãn Châu là nơi tranh chấp của các cường quốc trong vùng.[18] Ở thế kỷ XIX, lúc triều đình Mãn Thanh suy yếu, Mãn Châu rơi vào ảnh hưởng kinh tế của Đế quốc Nga. Kể từ khi Nga thua trận trong chiến tranh Nga-Nhật, thì Mãn Châu rơi vào ảnh hưởng của Đế quốc Nhật Bản. Tháng 9 năm 1931, Quân đội Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu và dựng lên chính quyền Mãn Châu Quốc, đặt Phổ Nghi - vị vua cuối cùng của nhà Thanh - lên ngôi bù nhìn.[19]

Mãn Châu là vùng công nghiệp phát triển sớm từ đầu thế kỷ XX. Tại đây, có các thành phố lớn đồng thời là các trung tâm công nghiệp và đầu mối giao thông đường sắt, đường bộ quan trọng như Cáp Nhĩ Tân, Thẩm Dương, Trường Xuân, Cát Lâm, Mẫu Đơn Giang, cảng Đại Liên. Đối với Nhật Bản, ngay từ trước chiến tranh, Mãn Châu - Triều Tiên đã là khu công nghiệp chiến tranh rất quan trọng với nhiều nhà máy chế tạo vũ khí và trang thiết bị quân sự. Từ giữa chiến tranh, khu vực này càng quan trọng hơn khi nhiều nhà máy tại Nhật Bản phải dời sang đây để tránh máy bay Hoa Kỳ ném bom.[20] Đến năm 1945, khi các đảo lớn Nhật Bản trở thành chiến trường, thì Mãn Châu đóng vai trò là hậu phương lớn của chính quốc.[21]

Tình hình của Đế quốc Nhật Bản

Từ cuối năm 1944, sau khi Hải quân Đế quốc Nhật Bản bị mất phần lớn tàu chiến thì các đảo lớn Nhật Bản dần bị phong toả, bóp chặt từ phía biển[22], còn việc Quân đội Nhật Bản để mất quần đảo Mariana và Phillipines thì các thành phố lớn của Nhật Bản bị đưa vào tầm oanh tạc thường xuyên của các máy bay B-29 của Không quân Hoa Kỳ.[23]

Đến tháng 5 năm 1945, nước Đức đầu hàng, khối Trục chỉ còn lại Đế quốc Nhật Bản tiếp tục cuộc chiến trong tình thế tuyệt vọng. Mục tiêu kéo dài cuộc chiến lúc này chỉ là để tránh đầu hàng vô điều kiện nhằm bảo toàn kokutai - tinh thần quốc gia Nhật Bản được xây dựng xung quanh Thiên Hoàng.[24]

Chỗ dựa về mặt quân sự cho mục tiêu này là lực lượng khoảng 4,1 triệu lính lục quân và 1,26 triệu lính Hải quân - trong đó có 2,3 triệu quân ở hải ngoại đang chiếm giữ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và một vài đảo trên Thái Bình Dương - tất cả đều sẵn sàng chiến đấu với tinh thần cảm tử. Chỗ dựa ngoại giao lúc này là hy vọng thông qua Liên Xô - nước duy nhất trong khối Đồng Minh có hiệp ước trung lập với Nhật Bản - làm trung gian đàm phán để tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được.[25]

Cho đến tận Hội nghị Potsdam bắt đầu từ ngày 17 tháng 7 năm 1945, Nhật Bản vẫn nỗ lực thuyết phục Liên Xô đứng ra làm trung gian đàm phán với hứa hẹn "đáp ứng mọi yêu sách của Liên Xô ở Viễn Đông".[26] Khi Tuyên bố Potsdam được công bố mà không có chữ ký của I.V. Stalin, thì Nhật Bản lại tiếp tục vẫn bám lấy niềm hy vọng Liên Xô.[27]

Vì lý do đó, Nhật Bản nói chung và Đạo quân Quan Đông nói riêng không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với cuộc tấn công của Quân đội Liên Xô ở Mãn Châu.

Bối cảnh Liên Xô tham chiến

Đối với I.V. Stalin, khả năng tham chiến chống Nhật Bản ở mặt trận Thái Bình Dương được sử dụng để đổi lấy việc mở mặt trận thứ 2 ở Tây Âu chống Đức Quốc xã. Vì thế, tại Hội nghị Tehran cuối tháng 11 năm 1943, khi Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill đồng ý mở mặt trận thứ 2 vào giữa năm 1944, thì Stalin cũng hứa hẹn tham chiến cùng với "các điều kiện chưa nói trước"[28].

Đầu năm 1945, ước tính của Hội đồng Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ cho thấy Nhật Bản chỉ có thể đầu hàng sớm nhất vào năm 1947, còn để tiêu diệt hoàn toàn Quân đội Nhật Bản thì Hoa Kỳ phải tốn đến hơn một triệu nhân mạng nữa[29][Ct 4]. Vì thế, ở Yalta tháng 2 năm 1945, yêu cầu Liên Xô tham chiến là mục tiêu nghị sự quan trọng nhất của Tổng thống Roosevelt[31]. Đến lúc này, V. I. Stalin mới đưa ra ba điều kiện, bao gồm[32]:

  • Giữ nguyên trạng nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ;
  • Khôi phục những quyền lợi của Nga đã bị vi phạm năm 1904 gồm: Liên Xô được thu hồi phần Nam đảo Sakhalin; quốc tế hóa cảng Đại Liên; Liên Xô được quyền thuê tô giới Lữ Thuận làm quân cảng; Liên Xô được cùng với Trung Quốc khai thác các tuyến đường sắt tại Đông Bắc Trung Quốc và Nam Mãn Châu.
  • Chủ quyền quần đảo Kuril được chuyển sang cho Liên Xô[Ct 5].

Sau khi tham khảo ý kiến của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill đã chấp nhận cả ba điều kiện nói trên[33], vì thế bản thoả thuận Yalta ngày 11 tháng 2 năm 1945 có đoạn: Các nhà lãnh đạo ba cường quốc Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh thỏa thuận rằng từ hai đến ba tháng sau khi nước Đức đầu hàng và chiến tranh ở châu Âu kết thúc, thì Liên Xô sẽ đứng về phía các nước Đồng minh để tham chiến chống Nhật Bản[34].

Ngay sau Hội nghị, Nguyên soái Liên Xô A.M. Vasilievsky và Bộ Tổng Tham mưu đã bắt tay chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến tại Mãn Châu[35]. Ðến đầu tháng 4 năm 1945, Bộ Ngoại giao Liên Xô thông báo cho Nhật Bản về việc không gia hạn Hiệp ước Trung lập sau ngày 25 tháng 4 năm 1946[36][Ct 6].

Tại Hội nghị Potsdam tổ chức từ ngày 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945, phía Liên Xô đã thông báo kế hoạch quân sự tại Viễn Đông, xác nhận Liên Xô sẵn sàng thực hiện cam kết Yalta[38]. Tuy nhiên, việc Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở châu Âu cùng với tin vụ thử bom nguyên tử thành công khiến cho Tổng thống Hoa Kỳ mới nhậm chức Harry S. Truman không còn mặn mà với việc Liên Xô tham chiến nữa[39]. Vì thế, thay vì chính thức mời Liên Xô tham chiến, Truman thông báo với Stalin về vũ khí mới[40] và đưa ra tuyên bố chung với Churchill và Tưởng Giới Thạch yêu cầu Nhật Bản đầu hàng để có lý do sử dụng bom nguyên tử sớm nhất.

Lúc này, áp lực thời gian được chuyển đến Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Liên Xô tại Viễn Đông, đẩy chiến dịch bắt đầu sớm nhất có thể, hoàn thành mục tiêu nhanh nhất có thể[41].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Mãn_Châu_(1945) http://www.chinadaily.com.cn/en/doc/2003-10/17/con... http://foreignpolicy.com/2013/05/30/the-bomb-didnt... http://ww2db.com/photo.php?source=all&color=all&li... http://usacac.army.mil/cac2/cgsc/carl/download/csi... http://kiuchi.jpn.org/vn/nobindex.htm //www.worldcat.org/issn/0195-3451 http://militera.lib.ru/h/shihsov_av/10.html http://militera.lib.ru/memo/other/akiyama_h/index.... http://rkka.ru/maps/tv25.gif http://www.sakhalin.ru/Region/WORLDWAR2/KotonMap.h...